Đau thần kinh tọa là bệnh lý cơ xương khớp rất thường gặp ở lứa tuổi lao động (30-60 tuổi). Bệnh được biết đến với dấu hiệu điển hình là đau lan từ mông xuống chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Nguyên nhân đau thần kinh tọa bao gồm nhiều yếu tố tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm.
Đau Thần Kinh Tọa Là Gì – Dây Thần Kinh Tọa Nằm Ở Đâu?
Giải phẫu dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa còn gọi là dây thần kinh hông to, đây là dây thần kinh lớn nhất của cơ thể, được tạo bởi sự hợp nhất của các rễ vận động, cảm giác của đốt tủy L4, L5, S1, S2, S3 trong đó cơ bản là hai rễ L5 và S1. Dây thần kinh tọa xuất phát từ chậu hông xuống mông, đi dọc giữa mặt sau đùi đến đỉnh trên trám khoeo thì chia thành 2 nhánh: thần kinh mác (thần kinh hông khoeo ngoài) và thần kinh chày (thần kinh hông khoeo trong):
- Thần kinh mác có các sợi thuộc rễ L5, đi xuống phía trước ngoài cẳng chân, xuống mu bàn chân và kết thúc ở ngón chân cái. Rễ L5 là rễ hay bị tổn thương nhất.
- Thần kinh chày có các sợi thuộc rễ S1, đi ở mặt sau cẳng chân, xuống gót chân, chui xuống gan bàn chân và kết thúc ở ngón chân út.
Chức năng của dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa chi phối cảm giác, dinh dưỡng và vận động cho phần lớn chi dưới chủ yếu là cẳng chân:
- Vận động: gấp duỗi bàn chân, ngón chân, xoay bàn chân
- Động tác: đứng, đi bằng gót chân, mũi chân
- Phản xạ: gân gót (dây thần kinh chày chi phối)
- Cảm giác ở mặt trước, mặt sau, trong, ngoài, giữa đùi; cảm giác ở mu bàn chân, gan bàn chân, các ngón chân.
Đau thần kinh tọa là gì
Các triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa gây ra bởi sự kích ứng dây thần kinh. Dây thần kinh tọa có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu xuất phát từ các vấn đề cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, đau thần kinh tọa khác với đau lưng nói chung ở chỗ: đau thần kinh tọa sẽ luôn là đau lan tỏa dọc theo chiều dài của dây thần kinh tọa chứ không đau khu trú ở 1 vị trí.
Cơ chế của đau thần kinh tọa có thể liên quan đến sự căng và méo mó của rễ thần kinh hoặc hạch cảm giác. Vị trí tổn thương của thần kinh tọa hay gặp nhất là tại chỗ đĩa đệm bị thoát vị và vị trí tổn thương do thoái hóa cột sống, ngoài ra còn có các vị trí tổn thương khác như ở chậu hông bé, mông, nếp lằn mông và cơ nhị đầu đùi.
5 Nguyên Nhân Đau Thần Kinh Tọa
- Thoát vị đĩa đệm
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau thần kinh tọa (khoảng 60-90% các ca đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm). Vị trí tổn thương thường xảy ra ở đĩa đệm L4-L5 và L5-S1, do 2 đĩa đệm này là bản lề vận động chủ yếu của cột sống. Đĩa đệm là một cấu trúc giống như chất sụn bao bọc bởi một lớp cứng có sợi ở bên ngoài, có vai trò giảm sốc cho cột sống khi di chuyển, vận động. Khi bị thoát vị, tại các vị trí này, đĩa đệm lồi ra và đè trực tiếp lên dây thần kinh tọa gây ra các triệu chứng đau.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm có thể do tuổi tác (đĩa đệm trở nên yếu hơn khi lớn tuổi), hoặc do các chấn thương trong hoạt động hàng ngày, tập luyện thể dục thể thao…
- Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra các gai xương xâm lấn vào vị trí các dây thần kinh tọa thoát ra khỏi cột sống (gọi là lỗ liên đốt cột sống). Nếu gai xương đủ lớn sẽ tác động tới dây thần kinh tọa và gây đau.
- Trượt đốt sống
Trượt đốt sống thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, có thể đi kèm với thoái hóa cột sống, hẹp ống sống gây ra chèn ép các rễ thần kinh L5, S1 gây đau thần kinh tọa. Các nguyên nhân gây ra trượt đốt sống bao gồm: loạn sản, huyết eo đốt sống, do thoái hóa, do chấn thương, thứ phát sau bệnh xương, u.
- Viêm cột sống
Sau các nhiễm trùng ngoài da, tiết niệu, phổi…do tụ cầu sẽ hay gặp biến chứng viêm cột sống. Viêm cột sống cũng có thể gây ra do khuẩn lao, tổn thương do viêm sẽ gây hẹp lỗ liên hợp, hẹp ống sống chèn ép các rễ thần kinh.
- Các nguyên nhân hiếm gặp khác
- Hội chứng cơ hình lê (cơ tháp): thường gặp ở các vận động viên chơi thể thao khi có các động tác sai tư thế
- Các khối u trong cột sống: do di căn từ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, u buồng trứng, u tiểu khung…
- Chấn thương, viêm cơ, nhiễm trùng, viêm khớp cùng chậu
- Nguyên nhân phụ khoa và hậu sản ở nữ giới (trong bệnh lạc nội mạc tử cung, thời kỳ mang thai và sau đẻ)
Thông thường thì bất kì tình trạng nào gây ra kích thích hoặc chèn ép vào dây thần kinh tọa cũng là nguyên nhân đau thần kinh tọa.
Nguyên Nhân Đau Thần Kinh Tọa Theo Đông Y
Trong Đông y, bệnh đau thần kinh tọa còn được gọi là Tọa cốt phong, Tọa điển phong, Yêu thống… Đa số các tài liệu y văn cổ đều xếp vào chứng Tý, nghĩa là khí huyết bị tắc, không thông, bế tắc kinh mạch. Ba nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa là:
- Phong: đặc điểm là thường xuyên di chuyển và thay đổi. Phong tà thường kết hợp với hàn tà và thấp tà gây nên chứng tý gây đau ở cơ, gân, khớp tuy nhiên không có nóng, đỏ đau.
- Hàn: đặc điểm là làm ngưng trệ và co rút, gây nên cảm giác nhức hoặc như dùi đâm
- Thấp: vùng eo lưng trở xuống gọi là vùng đái mạch, vùng này đau thường liên hệ đến thấp tà. Thấp có thể do Tỳ hư, cũng có thể từ hàn sinh ra.
Các Yếu Tố Nguy Cơ Gây Bệnh Đau Thần Kinh Tọa
- Tuổi tác: tuổi càng cao sẽ càng tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm và thân đốt sống, gây ra thoát vị đĩa đệm, gai xương và trượt đốt sống
- Công việc nặng: với người phải lao động nặng, bê vác không đúng tư thế hoặc làm việc nặng lâu ở 1 tư thế sẽ làm tăng áp lực lên cột sống và đĩa đệm, gây ra thoát vị đĩa đệm và đau dây thần kinh tọa.
- Vi chấn thương: ví dụ như tài xế là những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường rung xóc liên tục sẽ tạo ra những chấn thương nhỏ nhưng kéo dài lên cột sống và đĩa đệm, lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa.
- Đi giày cao gót thường xuyên liên tục, để ví dày ở túi quần sau khi ngồi.
Như vậy, bệnh đau thần kinh tọa có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phần lớn là do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm. Ngoài việc phải tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa phù hợp, người bệnh cũng nên chú ý đến những yếu tố nguy cơ để có những biện pháp phòng ngừa tránh mắc phải căn bệnh phiền toái này.
Lời Khuyên của B.S. về Bệnh Xương Khớp

Chất Lượng Bài Viết:
– Chất Lượng Bài Viết –
Leave A Comment