Nếu không điều trị, bệnh gút có thể trở thành một tình trạng mãn tính và làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng như tophi và tổn thương khớp.
Hạt tophi là gì?
Hạt tophi là một triệu chứng của bệnh gút, xuất hiện khi các tinh thể natri urat hoặc acid uric tích tụ quanh khớp. Tophi trông giống như bị sưng, xuất hiện quanh khớp ngay dưới da của bạn, thường là biểu hiện của tình trạng gút mạn.
Khi nào hạt tophi xuất hiện và tại sao lại xuất hiện tophi
Với bệnh gút, tophi có thể không phát triển ngay. Bệnh gút bao gồm bốn giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tăng acid uric máu không có triệu chứng. Bạn có thể có kết quả xét nghiệm máu cho thấy tăng acid uric máu nhưng không có bất kì triệu chứng điển hình nào của bệnh gút.
- Giai đoạn 2: Cơn gút cấp. Sự tích tụ acid uric bắt đầu hình thành trong khớp, có thể dẫn đến tình trạng viêm đau nghiêm trọng. Sự phát triển này làm khớp sưng nóng.
- Giai đoạn 3: Khoảng cách giữa các cơn viêm khớp gút cấp (interval gout/ intercritical gout). Đây là giai đoạn không có triệu chứng giữa các cơn gút, có thể kéo dài trong vài ngày, vài tháng hoặc vài năm.
- Giai đoạn 4: Bệnh gút mãn tính. Đây là giai đoạn tophi phát triển trong khớp của bạn và các mô xung quanh. Chúng thường xảy ra nếu bạn không điều trị bệnh gút của mình trong một thời gian dài (khoảng 10 năm trở lên). Tophi cũng có thể hình thành trong tai của bạn.
Các vị trí thường gặp tophi
Gút là kết quả của sự tích tụ acid uric trong máu. Thông thường acid uric được đào thải qua đường nước tiểu nhưng chế độ ăn uống hoặc một số điều kiện nhất định có thể khiến cơ thể khó bài tiết acid uric, trong trường hợp này acid uric sẽ tích tụ xung quanh khớp.
Các vị trí thường xuất hiện tophi
Tophi có thể hình thành ở một số bộ phận như chân (đặc biệt là ngón chân cái), đầu gối, cổ tay, ngón tay, gân gót chân (gân Achilles), tai.
Một số mô acid uric tích tụ phổ biến để hình thành tophi bao gồm:
- Gân kết nối các khớp với cơ bắp
- Sụn quanh khớp
- Màng hoạt dịch lót sụn khớp
- Mô mềm trong khớp như lipid hoặc dây chằng
- Túi hoạt dịch (hàng rào đệm giữa xương và các mô mềm khác).
Tophi cũng có thể hình thành trong mô liên kết không tìm thấy trong khớp như van tim (như động mạch chủ) – rất ít, lòng trắng của mắt, tháp thận (gồm các ống dẫn nước tiểu và các mạch máu).
Các triệu chứng của tophi
Tophi thường không tự gây đau, nhưng hiện tượng sưng viêm có thể gây đau dữ dội.
Nếu không được điều trị, tophi có thể phá vỡ các mô khớp, khiến vận động khớp trở nên khó khăn và đau đớn hơn và làm biến dạng khớp.
Tophi có thể khiến da bạn căng cứng khó chịu, đôi khi gây ra các vết loét.
Các triệu chứng phổ biến của cơn đau gút cấp đi kèm với tophi bao gồm:
- Sưng, nóng đỏ, đau tại vị trí có tophi
- Khó cử động khớp trong nhiều ngày sau cơn gút cấp
- Đau dữ dội tại các khớp vài giờ sau khi có những triệu chứng gút cấp đầu tiên.
- Khớp ngày càng hạn chế vận động nhất là khi bệnh không được điều trị.
Cách điều trị tophi
Tophi nhỏ không gây đau hoặc hạn chế vận động nên bạn có thể không cần loại bỏ, chỉ cần dùng các thuốc kết hợp thay đổi chế độ ăn uống để làm giảm kích thước các tophi này.
Tophi lớn nên được loại bỏ để ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp hoặc hạn chế vận động sau này. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các tophi lớn này hoặc phẫu thuật thay khớp nếu khớp tổn thương nặng.
Các thuốc điều trị gút có thể làm giảm sự phát triển của tophi bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): bao gồm Naproxen, Ibuprofen,…; các thuốc này giúp giảm đau và viêm do các cơn gút cấp và tổn thương khớp từ tophi.
- Corticoid: giúp giảm viêm; có thể dùng dạng tiêm trực tiếp vào khớp hoặc uống.
- Chất ức chế enzyme xanthine oxidase: giúp làm giảm lượng acid uric mà cơ thể sản xuất, làm giảm tiến triển của gút và tophi. Các thuốc nhóm này gồm allopurinol, febuxostat…
- Thuốc tăng đào thải acid uric: probenecid…
Các biện pháp điều trị tophi tự nhiên
Bệnh gút có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục thường xuyên, uống nhiều nước (ít nhất 2l nước mỗi ngày).
Một số loại thực phẩm trong chế độ ăn có thể giúp hỗ trợ tình trạng này:
- Cherries: ăn quả cherries dù trong thời gian ngắn cũng giúp giảm tình trạng gút cấp. Một nghiên cứu năm 2012 trên 633 bệnh nhân gút chỉ ra rằng ăn cherries trong 2 ngày giúp giảm nguy cơ gút cấp xuống 35%.
- Vitamin C: làm giảm lượng acid uric trong máu.
- Cà phê: Uống một chút cà phê hàng ngày cũng giúp giảm sự phát triển bệnh gút.
- Các sản phẩm từ sữa: theo một nghiên cứu năm 1991, protein trong sữa có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu.
Bệnh gút nên được điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các triệu chứng đau đớn và biến chứng tophi. Ngay cả khi bạn chỉ có một cơn gút cấp xuất hiện đã lâu, rất có thể bạn đang ở trong giai đoạn giữa các cơn gút và acid uric vẫn có thể tích tụ. Nếu bác sĩ chẩn đoán acid uric trong máu bạn cao, hãy làm theo hướng dẫn để giảm nồng độ acid uric, từ đó giảm nguy cơ phát triển tophi và bảo vệ khớp khỏi tổn thương nghiêm trọng về sau.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh

Chất Lượng Bài Viết:
– Chất Lượng Bài Viết –
Leave A Comment