Đối với mọi chế độ ăn kiêng trong các loại bệnh, thì hoa quả và rau xanh luôn là lựa chọn hàng đầu để có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên, câu hỏi nên ăn hoa quả gì, hay nên ăn rau củ gì để tốt cho bệnh gút lại là vấn đề nhiều người chưa biết.
Gút là một bệnh chuyển hóa mạn tính, gây ra nhiều đau đớn và phiền toái cho người bệnh. Trong bệnh gút, cơ thể gặp vấn đề về chuyển hóa purin – đây là loại protein có trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể tiêu hóa purin và tạo ra sản phẩm cuối cùng là acid uric, việc dư thừa acid uric trong máu sẽ dẫn đến kết tinh ở khớp của bệnh nhân và gây ra những triệu chứng của bệnh gút. Theo các chuyên gia, một chế độ ăn ít purin nên được áp dụng với những người bị bệnh gút. Bài viết này sẽ đề cập đến những loại hoa quả và rau củ nào người bị gút nên ăn và nên tránh.
Bệnh gút nên ăn hoa quả và rau gì?
Trái cây hoặc rau củ được coi là ít purin nếu khi ăn 100g thực phẩm đó cơ thể sẽ sản xuất ra 100mg acid uric hoặc ít hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh mức acid uric trong bệnh gút có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các chất chống oxy hóa sẽ giúp chống lại gốc tự do – căn nguyên của ung thư và bệnh tim mạch.
Ngoài ra, thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, giúp làm chậm quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, điều này là có lợi nếu bạn muốn duy trì nồng độ acid uric trong máu thấp. Do đó, các loại trái cây hoặc rau củ tốt cho bệnh gút không chỉ cần có mức purin thấp mà nên có nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa. Các trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao cũng có khả năng làm giảm nồng độ acid uric và ngăn ngừa biến chứng gút, ngoài ra không nên chứa quá nhiều đường đơn (cụ thể là fructose, do fructose cũng đã được chứng minh có liên quan đến sự thúc đẩy tạo thành acid uric trong cơ thể).
Trái cây tốt cho bệnh gút
Lượng hoa quả hợp lý cho một bệnh nhân gút là khoảng 2-4 khẩu phần/ngày. Một khẩu phần có thể được đo bằng 1 cup (1 cốc) hoa quả tươi (1 cup tương đương 240ml). Các loại hoa quả tốt cho bệnh gút có thể kể đến:
– Quả cherry (quả anh đào): theo một nghiên cứu năm 2012 thực hiện trên 633 bệnh nhân gút, nhóm uống nước ép cherry trong thời gian 2 ngày có nguy cơ bị cơn gút tấn công thấp hơn 35% so với nhóm không uống. Lí do là vì cherry có chứa hàm lượng cao anthocyanin – là một hoạt chất có tác dụng chống viêm, đồng thời chứa hàm lượng vitamin C cao, do đó làm giảm các triệu chứng của bệnh gút.
– Táo: không những tốt cho bệnh gút mà táo còn là loại thực phẩm “vàng” cho rất nhiều bệnh khác, thậm chí kể cả những người khỏe mạnh. Táo là loại trái cây ít purin, khoảng 14mg purin/100g táo, nghĩa là một quả táo lớn có trọng lượng 223g chỉ chứa khoảng 31mg purin. Nước sốt táo, nước ép táo hoặc táo khô cũng được cho phép trong chế độ ăn kiêng gút, tuy nhiên nên ưu tiên ăn cả quả để cung cấp chất xơ.
– Nho: nho chứa các flavonoid như quercetin, resveratrol là các chất chống oxy hóa mạnh, giúp hỗ trợ làm giảm quá trình đau do viêm, chống lão hóa tế bào, làm chậm hoặc ngăn chặn phát triển các khối u, hạn chế các bệnh tim mạch, stress và dị ứng, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin C giúp làm giảm nồng độ acid uric.
– Dâu tây: là loại hoa quả chứa hàm lượng vitamin C cao. Một khẩu phần dâu tây cung cấp khoảng 90 mg vitamin C, bằng 149% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hằng ngày. Ngoài ra dâu tây còn chứa nguồn folate dồi dào (40mg folate/1 khẩu phần), khoảng 10% mức dinh dưỡng hàng ngày. Folate là thành phần được chứng minh có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh gút, theo một nghiên cứu vào tháng 10/2003 công bố trên tờ tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ (American Journal of Clinical Nutrition). Hợp chất phytochemical trong dâu tây (như acid ellagic, quercetin, catechin, anthocyanin và kaempferol) giúp làm giảm phản ứng viêm trong bệnh gút, giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch do hoạt tính kháng viêm và chống oxy hóa.
– Lê: chứa lượng purin thấp, nhiều chất xơ, hợp chất chống oxy hóa, phenolic và vitamin C giúp giảm viêm, giảm nồng độ acid uric. Tuy nhiên, nếu có thể thì nên ăn cả vỏ lê vì trong vỏ chứa hàm lượng các chất này nhiều hơn thịt quả gấp 20 lần.
Lưu ý khi lựa chọn hoa quả cho người bệnh Gút?
Nên tránh các loại hoa quả có chứa nhiều oxalat, do oxalate có thể kết hợp với acid uric dư thừa tạo thành sỏi thận.
– Hàm lượng oxalate cao là khoảng 26-99 mg mỗi khẩu phần. Trái cây có chứa nhiều oxalat bao gồm quả sung, mơ khô, kiwi. Nên hạn chế tối thiểu các loại quả này.
– Hàm lượng oxalate vừa phải từ 10-25 mg mỗi khẩu phần: gồm cam, quýt, xoài, mận, chanh, mâm xôi, dâu tây, việt quất (blueberry). Nên ăn ở mức độ vừa phải.
– Hàm lượng oxalate thấp từ 5-10 mg mỗi khẩu phần: gồm táo, nam việt quất (cranberry), quả mơ tươi, bưởi, dưa hấu, nho, cherry, đào, dứa, mận. Nhóm trái cây này có thể ăn tùy sở thích.
Bệnh gút nên ăn rau gì?
Nói chung, tất cả các loại rau củ đều có thể lựa chọn trong chế độ ăn của người bệnh gút. Đặc biệt là một số loại rau có chứa lượng chất oxy hóa cao như: bắp cải đỏ và ớt đỏ (chứa lycopen, vitamin E, beta caroten, vitamin C), cải kale (chứa beta carotene, lutein, zeaxanthin), giá đỗ (chứa vitamin E, beta caroten), hành tây, cà tím, …Tuy nhiên, nên hạn chế một số loại rau củ chứa nhiều purin như sau: măng tây, súp lơ, rau chân vịt (cải bó xôi), nấm, đậu xanh, đậu hà lan, đậu lăng (chỉ nên ăn ½-1 khẩu phần/ngày).
Như vậy, nói chung đa số các loại hoa quả và rau củ đều có lợi đối với bệnh nhân gút vì bản thân chúng là những loại thực phẩm rất dồi dào về hàm lượng vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa và nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh khác. Tuy nhiên, chế độ ăn ít purin thực chất chỉ nên áp dụng khắt khe đối với nhóm thực phẩm cung cấp protein nguồn gốc động vật như các loại thịt, cá, hải sản… Còn theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với thực phẩm là hoa quả và rau xanh thì khi áp dụng chế độ ăn ít purin, chỉ nên chú ý hạn chế một số loại đặc biệt như đã liệt kê ở trên, còn lại thì bệnh nhân gút hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình những loại trái cây hoặc rau củ theo sở thích, miễn sao đảm bảo về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Xem thêm “chế độ ăn cho người bệnh gút” tại đây.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh

Chất Lượng Bài Viết:
– Chất Lượng Bài Viết –
Leave A Comment