Bệnh gút có tỉ lệ mắc tại Việt Nam là 0,14% dân số, chiếm 1,5% các bệnh về khớp được điều trị nội trú tại khoa Xương khớp bệnh viện Bạch Mai. Tuổi trung bình mắc gút là từ 48 – 68, trong đó 98,3% bệnh nhân nằm trong độ tuổi trên 40. Bệnh thường gặp ở nam giới trung niên và nữ giới sau mãn kinh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về biểu hiện của bệnh gút.
Biểu hiện gút cấp
Các triệu chứng điển hình của cơn gút cấp:
– Vị trí đau: thường gặp ở các khớp chi dưới như khớp bàn – ngón chân cái (60-70% các trường hợp), khớp gối, bàn ngón khác, khớp cổ chân,…
– Hoàn cảnh xuất hiện triệu chứng: cơn đau có thể tự phát hoặc sau một bữa ăn nhiều chất đạm hay uống rượu quá mức, sau chấn thương, phẫu thuật, sau một đợt dùng thuốc như aspirin, các thuốc lợi tiểu,…
– Các biểu hiện bệnh gút thường gặp: khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau, có thể sốt 38 – 38,5oC kèm theo rét run. Lúc đầu chỉ viêm một khớp, sau đó có thể viêm nhiều khớp. Các dấu hiệu viêm có thể kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày rồi các dấu hiệu viêm giảm dần: đỡ đau, đỡ nề, bớt đỏ. Hết cơn, khớp trở lại hoàn toàn bình thường. Đa phần người bệnh đau về ban đêm và tỉnh dậy vì cơn đau đột ngột dữ dội.
Biểu hiện đặc trưng của gút cấp là tình trạng sưng viêm, đau
– Một số triệu chứng dự báo trước khi cơn gút cấp xảy ra mà bạn có thể nhận biết như trạng thái đau đầu, mệt mỏi, đau thượng vị, táo bón, ợ hơi, đái nhiều, đái dắt, khó cử động chân, nổi tĩnh mạch, tê ngón chân cái.
Biểu hiện gút mạn tính
Thời gian tiến triển thành gút mạn tính thường sau vài năm đến vài chục năm mắc bệnh. Biểu hiện bệnh gút mạn tính như sau:
- Cơn gút cấp liên tiếp với mức độ ngày càng trầm trọng.
- Xuất hiện hạt tophi, tổn thương khớp do muối urat và các bệnh về thận.
Hạt tophi: Do tích lũy muối urat kết tủa ở khớp, tăng dần sau nhiều năm, tạo thành các khối nổi lên dưới da. Hạt tophi có hình tròn hoặc ovan, từ một vài hạt đến rất nhiều hạt, kích thước chênh lệch lớn từ 0,5 mm – 10 cm; hạt thường gồ ghề, rắn chắc hoặc mềm, ấn không đau. Vị trí của hạt thường gặp ở vành tai, mỏm khuỷu, bàn chân, bàn tay, cổ tay, gân (nhất là gân Achille ở gót chân). Xuất hiện hạt tophi thường gây biến dạng khớp và hạn chế vận động trong trường hợp bệnh tiến triển lâu năm và nặng.
Tổn thương khớp do muối urat thường xuất hiện muộn trong các trường hợp nặng, thể tiến triển, điều trị chưa tốt với các biểu hiện đau khớp cơ học, biến dạng khớp, viêm khớp không đối xứng (không nhất thiết đau khớp ở cả hai bên thân) kèm theo cứng khớp.
Biểu hiện trên thận: gồm có sỏi uric và bệnh thận do gút. Khi bị sỏi uric, bạn sẽ có biểu hiện đau quặn thận, đái ra máu. Khi bị bệnh thận do gút, bạn sẽ thấy các biểu hiện đái ra máu, thường kết hợp với tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu thấy có bạch cầu, protein, xét nghiệm máu có nhiễm toan.
Chẩn đoán bệnh gút
Sử dụng Tiêu chuẩn Bennet và Wood (1968) được áp dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam do dễ nhớ và phù hợp với điều kiện thiếu xét nghiệm.
- Hoặc tìm thấy tinh thể natri urat trong dịch khớp hay trong các hạt tophi.
- Hoặc tối thiểu có hai trong các yếu tố sau đây:
+ Tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu hai đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, đau dữ dội, và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.
+ Tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên.
+ Có hạt tophi.
+ Đáp ứng tốt với thuốc (giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.
Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn a hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn b.
Trên đây là tất cả các biểu hiện bệnh gút thường gặp và tiến triển các triệu chứng của bệnh gút. Nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ mắc bệnh (nam giới trên 40 tuổi hoặc nữ giới sau mãn kinh có sử dụng một số thuốc làm tăng acid uric máu,…), hoặc đã có một vài triệu chứng trên đây, bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra định kì, điều trị sớm để làm chậm tiến triển của bệnh.
Chuyên Gia Tư Vấn Bệnh

Chất Lượng Bài Viết:
– Chất Lượng Bài Viết –
Leave A Comment